Giấy vi bằng là gì? Đây là một từ ngữ thường xuyên xuất hiện trong các giao dịch nhà đất. Nhưng không phải người mua nào cũng hiểu rõ về nó, cùng datnensohong.org tìm hiểu về giấy vi bằng để có những quyết định đúng đắn trong các giao dịch nhà đất nhé.
Tóm tắt nội dung
Giấy vi bằng là gì?
Giấy vi bằng là văn bản do văn phòng Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của các nhân, cơ quan, tổ chức để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật, nhằm mục đích làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án và trong các quan hệ pháp lý khác.
Giấy vi bằng do Thừa phát lại lập ( Ảnh minh họa)
Giấy vi bằng có thể kèm theo băng đĩa, hình ảnh và các tài liệu chứng minh khác trong trường hợp cần thiết.
Việc ghi nhận phải được đảm bảo tính trung thực, khách quan.
Do đó, giấy vi bằng không thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.
Tại sao phải lập giấy vi bằng?
Để có thể thấy rõ lợi ích của việc lập giấy vi bằng, ta có thể liệt kê đặc điểm của giao dịch có lập giấy vi bằng và giao dịch không lập giấy vi bằng:
Đối với với giao dịch lập giấy vi bằng:
- Văn phòng Thừa phát lại khi lập giấy vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả cụ thể bằng văn bản, quay phim, chụp hình, và được ghi âm trực tiếp ngay khi thực hiện lập vi bằng.
- Giấy vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời gian 03 ngày kể từ ngày lập.
- Do đó, bản thân giấy vi bằng có giá trị chứng cứ cao và đã được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan.
Đối với giao dịch không lập giấy vi bằng:
- Khi thực hiện một giao dịch cụ thể, bạn có thể nhờ một người đứng ra làm chứng, ví dụ như làm chứng hợp đồng vốn góp, làm chứng cho giao nhận tiền đặt cọc,…
- Khi phát sinh tranh chấp, để giải quyết vụ việc Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ mời người làm chứng này mô tả lại những việc họ chứng kiến bằng văn bản hoặc lời nói.
- Nhưng để xác minh lời làm chứng đó có chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần phải tiến hành đối chất, kiểm tra lại. Việc này có thể gây mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng tới các bên liên quan.
Các trường hợp nên lập giấy vi bằng.
Những trường hợp sau lập giấy vi bằng là cần thiết:
Xác định tình trạng nhà cửa trước khi mua hay cho thuê nhà.
Xác định tình trạng của nhà, đất bị lấn chiếm.
Xác định tình trạng của nhà đất liền kề trước khi bắt đầu xây dựng công trình.
Xác định tình trạng tài sản trước khi ly hôn hay thừa kế.
Xác định tình trạng thiệt hại tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức do cá nhân khác gây ra.
Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái với quy định của luật pháp.
Xác nhận về mức độ ô nhiễm.
Xác nhận về tình trạng công trình khi tiến hành nghiệm thu.
Xác nhận mức độ chậm trễ trong thi công công trình.
Xác nhận việc bày bán hàng giả tại các cơ sở kinh doanh, thương mại.
Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của các nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện.
Xác nhận các sự kiện pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Xác định các giao dịch không thuộc thẩm quyền công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng, những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp theo quy định của pháp luật.
Lập giấy vi bằng ở đâu.
Hiện nay, việc lập giấy vi bằng được tiến hành tại Văn phòng Thừa phát lại.
Đây là người có đủ tiêu chuẩn đã được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng,…theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
Hình ảnh Văn phòng Thừa phát lại
Rủi ro khi mua nhà vi bằng.
Tính chất pháp lý không minh bạch:
Ngay từ đầu bài viết về khái niệm của giấy vi bằng là gì datnensohong cũng đã đề cập đến việc giấy vi bằng chỉ được lập nhằm mục đích làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Đặc biệt, giấy vi bằng không thay thế được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực. Điều này sẽ dẫn đến việc khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp khi xảy ra.
Tranh chấp nhà vi bằng ( Ảnh minh họa).
Độ thanh khoản tương đối thấp:
Khi người mua hiểu rõ về vi bằng là gì, tính pháp lý của vi bằng như thế nào thì rất ít người chọn mua nhà vi bằng. Bởi rủi ro lớn, thậm chí có khả năng mất trắng tài sản.
Cùng với đó, thông qua mẫu vi bằng mua bán nhiều người mua bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dẫn tới hình thức này càng ngày càng ít xuất hiện trên thị trường, hoặc có thì chỉ xảy ra ở một số khu vực nhất định.
Không thể vay ngân hàng:
Việc vay vốn ngân hàng bằng giấy vi bằng gặp khá nhiều khó khăn. Vì giấy vi bằng không thể chứng minh mảnh đất đó thuộc về quyền sở hữu của bạn.
Những trường hợp không được ngân hàng hỗ trợ sau này sẽ khó bán ra, gây ảnh hưởng khá nhiều tới người sở hữu.
Có thể bị mất trắng:
Thường thì vi bằng nằm trong sổ chung với chủ đất, nên chẳng may nếu chủ đất qua đời thì theo luật thừa kế, tài sản sẽ thuộc về gia đình của chủ đất. Khi đó, người mua có nguy cơ cao bị mất trắng tài sản, bởi vì quyền thừa kế cao hơn vi bằng.
Tuy nhiên nếu người mua liên hệ và thương lượng được với gia đình chủ đất bạn có thể tiến hành làm giấy xác nhận để lấy tài sản đó.
Thủ tục làm giấy vi bằng.
Thủ tục làm giấy vi bằng gồm 4 bước:
Tiếp nhận yêu cầu vi bằng.
Thỏa thuận nội dung lập vi bằng.
Lập vi bằng.
Thanh lý vi bằng
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu vi bằng:
Khi có nhu cầu lập vi bằng, bạn cần đến Văn phòng Thừa phát lại. Sau khi trao đổi nếu đáp ứng được các điều kiện cần thiết thì Thừa phát lại sẽ hướng dẫn bạn lập vi bằng.
Bạn tiến hành điền đầy đủ nội dung yêu cầu trong phiếu lập vi bằng, thư ký nghiệp vụ sẽ có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện các nghiệp vụ được phân công.
Bước 2: Tiến hành thỏa thuận nội dung lập vi bằng:
Sau khi xem xét hoàn tất, bạn sẽ được thỏa thuận với trưởng phòng Thừa phát lại thủ tục này. Thỏa thuận bao gồm:
Nội dung lập giấy vi bằng, bao gồm cả sự kiện và hành vi.
Thời gian, địa điểm lập vi bằng.
Chi phí lập vi bằng.
Một vài thỏa thuận khác.
Bước 3: Lập vi bằng.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ ràng cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của giấy vi bằng. Người yêu cầu phải kí hoặc điểm chỉ vào giấy vi bằng.
Giấy vi bằng phải được lập làm 3 bản, một bản được gửi cho người yêu cầu, một bản được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định hiện hành của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
Giấy vi bằng chỉ có giá trị khi được đăng kí tại Sở Tư pháp ( Ảnh minh họa).
Bản còn lại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh( nếu có) đến Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký ( nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở).
Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận giấy vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Bước 4: Thanh lý vi bằng.
Sau khi nhận được giấy vi bằng, bạn sẽ được yêu cầu kí vào bản bàn giao và thanh lý vi bằng.
Chỉ khi nào nhà nước có yêu cầu thì mới được cấp bản sao vi bằng.
Những câu hỏi thường gặp.
Có nên mua nhà đất thông qua giấy vi bằng không?
Thực chất của giấy vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại chứng kiến. Chỉ nhằm mục đích làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Giấy vi bằng không thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.
Do vậy, người mua nhà đất qua giấy vi bằng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Người mua nên cân nhắc kỹ khi quyết định mua nhà đất thông qua giấy vi bằng.
Làm thế nào để có được giấy vi bằng.
Để có được giấy vi bằng, người yêu cầu cần cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập giấy vi bằng. Và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các tài liệu, thông tin cung cấp.
Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và pháp luật về vi bằng mà mình lập.
Khi tiến hành lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ ràng giá trị pháp lý của vi bằng cho người yêu cầu.
Sau khi giao giấy vi bằng cho người yêu cầu, Thừa phát lại phải tiến hành lưu trữ 1 bản và gửi lên Sở Tư pháp để vào sổ.
Nhà vi bằng được làm sổ hồng không?
Như đề cập trong bài viết, giấy vi bằng chỉ có giá trị làm chứng cứ trước Tòa và các cơ quan có thẩm quyền khi có tranh chấp xảy ra, chứ không có thay thế được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực. Bởi vậy việc cấp sổ hồng cho nhà vi bằng là không thể thực hiện được.
Lời kết.
Với những nội dung trong bài viết, datnensohong.org hy vọng có thể giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng về giấy vi bằng là gì, và có những quyết định sáng suốt trong các giao dịch nhà đất để tránh những thất thoát về tài sản không đáng có.
Có thể bạn quan tâm:
Nhà ở liền kề là gì? Những điều bạn cần biết về nhà liền kề!
Mã thửa đất là gì? Những điều cần lưu ý về trích lục sơ đồ địa chính
Bát trạch là gì? Những điều thú vị không phải ai cũng biết về bát trạch